© Nguyễn Viết Thắng giới thiệu, dịch và chú giải. Không đăng lại trên những trang Web với mục đích thương mại.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Thơ Allen Ginsberg


Irwin Allen Ginsberg (3/6/1926 – 5 /4/1997) – nhà thơ Mỹ, tác giả của bài thơ Tiếng tru (Howl) nổi tiếng thế giới, là một trong những thủ lĩnh của “Thế hệ Beat” những năm 60, thế kỉ XX.

Tiểu sử:
Allen Ginsberg sinh tại Newark, New Jersey, là con của Naomi Levi Ginsberg, một phụ nữ Nga gốc Do Thái và Louis Ginsberg, một nhà thơ có uy tín ở địa phương. Allen Ginsberg học Đại học Columbia. Bước ngoặt trong đời chàng sinh viên đang mơ ước trở thành luật gia chuyên về luật lao động là khi ông gặp Jack Kerouack và Williams S. Burroughs, những nhà văn về sau sẽ trở thành nòng cốt của phong trào Beat. Tốt nghiệp đại học năm 1948, ông làm rất nhiều nghề: thủy thủ, thợ nhà in, rửa bát, điểm sách, nhân viên tiếp thị... Năm 1950 Allen Ginsberg đến San Francisco, ở đó ông gặp các nhà thơ Kenneth Rexroth, Gary Snyder, Lawrence Ferlinghetti.

Ngày 13 tháng 10 năm 1955, Ginsberg đọc bài thơ dài Tiếng tru (Howl) tại Gallery Six ở San Fransisco trước một cử tọa cuồng nhiệt. Bài thơ được Hiệu sách Đèn Thành phố (City Lights) của Ferlinghetti xuất bản năm 1956, đã bị ra tòa với tội danh “văn hóa phẩm bẩn thỉu”, nhưng kết quả là trắng án. Bài thơ này được dịch ra 23 thứ tiếng trên thế giới. Howl và những bài thơ sau đó của Ginsberg thể hiện sự ảnh hưởng của thơ cổ Ấn Độ, các nhà thơ siêu thực Pháp, nhà thơ Anh thế kỷ XIX William Blake và các nhà thơ Mỹ Walt Whitman, William Carlos Williams…

Ginsberg đã làm thay đổi giọng thơ Mỹ và trở thành bộ mặt trung tâm của trào lưu phản văn hóa những năm 60. Trong thời nhiễu loạn ấy giới trẻ Mỹ đã coi ông như người dẫn đường tinh thần, một Đạo sư của những kẻ “rời bỏ”. Ông cũng tham gia những cuộc phản đối chính trị và đưa tinh thần ấy vào thơ (đòi quyền tự do, quyền của những kẻ yếu - nhất là những người đồng tính luyến ái, chống nhà nước cảnh sát Mỹ, chống chiến tranh Việt Nam và bom hạt nhân),

Allen Ginsberg đã được bầu vào Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Văn chương Mỹ. Ông mất tại New York City vì bệnh ung thư gan.

Tác phẩm:
*Tiếng tru và những bài thơ khác (Howl and Other Poems, 1956)
*Gương rỗng: Những bài thơ đầu tay (Empty Mirror: Early Poems (1961),
*Kaddish và những bài thơ khác (Kaddish and Other Poems, 1961)
*Thực tế cô đọng (Reality Sandwiches, 1963)
*Tin tức của hành tinh (Planet News, 1968)
*Những ghi chép Ấn Độ (Indian Journals,1970
*Sự sụp đổ của nước Mỹ (The Fall of America, 1972)
*Thơ khắp nơi :Chủ yếu của thập niên 70 (Poems All Over the Place: Mostly Seventies, 1978
*Lý trí thở (Mind Breaths: Poems 1971 - 1976 (1978)
*Vải liệm màu trắng (White Shroud: Poems, 1980–1985
*Toàn tập (Collected Poems 1947–1980 (1984)
*Thơ tuyển (Selected Poems: 1947–1995 (1996)


Một số bài thơ

SIÊU THỊ Ở CALIFORLIA

(Supermarket in California)


Tôi nghĩ gì về ông đêm nay, Walt Whitman, khi đi theo những đường phố nhỏ dưới hàng cây, ngắm trăng tròn mà đầu đau nhức nhối.

Mệt và đói, tôi đi mua hình ảnh cho mình, ghé vào siêu thị trái cây sáng đèn nê-ông, tôi mơ màng về những điều thơ ông nói!

Những trái đào và những vùng nửa tối! Những gia đình cả nhà đi mua sắm ban đêm!

Những lối đi đầy các ông chồng! Những bà vợ bên đống lê, những đứa bé bên đống cà chua! – còn ông, Garcia Lorca, ông đang làm gì dưới kia, bên những quả dưa hấu vậy?

Tôi thấy ông, Walt Whitman, không con cái, bợm nhậu già cô đơn đang sờ những tảng thịt trong tủ băng và đang ngó nhìn những chú bán hàng tạp hóa.

Tôi nghe những lời ông hỏi: Ai giết thịt heo? Giá chuối bao nhiêu? Cậu có phải Thiên thần của tớ?

Tôi đi theo ông, lang thang giữa những dãy lon sáng lóa mà cứ ngỡ như đang dõi theo bước chân tôi những thiết bị bảo vệ của cửa hàng.

Ta cùng sải bước chân theo những hành lang, trong sự tưởng tượng cô đơn ta cùng nếm vị artisô ngon, tận hưởng mọi mỹ vị cao lương nằm trong tủ ướp băng và không bao giờ đi qua chỗ cô thu ngân.

Ta đi đâu bây giờ, Walt Whitman? Một giờ nữa là người ta đóng cửa. Đêm nay chòm râu của ông sẽ hướng về đâu?

(Tôi chạm vào quyển sách của ông và tôi ước ao về một cuộc phiêu lưu của chúng mình trong siêu thị mà cảm thấy tất cả đều nhảm nhí).

Ta sẽ thơ thẩn suốt đêm trên những con đường vắng vẻ? Cây thả bóng lá bóng cành vào bóng và đèn đóm trong các nhà tắt ngấm, chỉ còn lại hai ta.

Ta thơ thẩn mà mơ về tình yêu nước Mỹ đã mờ xa, khi đi qua những chiếc ô-tô màu xanh trên đường ta về nhà, mái nhà tranh của chúng mình chìm trong im lặng.

Ôi, người cha thân yêu chòm râu bạc trắng, người thầy giáo già cô đơn dạy lòng dũng cảm, ông đã từng có nước Mỹ nào khi Charon chở ông sang bờ khói sương mờ mịt, và ông đứng nhìn con thuyền dần biến mất trên dòng đen kịt của Lethe?(1)
____________
(1)Charon – ông già lái đò chở những âm hồn dưới địa ngục. Lethe – dòng sông dưới địa ngục. Charon chở những âm hồn qua sông Acheron và sông Styx, chứ không phải qua sông Lethe. Sông Lethe, tiếng Hy Lạp nghĩa là Quên lãng, được đặt ở ngoài ngục để cho những âm hồn đến rửa ráy sau khi đã chuộc lỗi lầm, để dòng sông này sẽ cuốn đi những kỉ niệm đau buồn về những điều lầm lỗi (Allen Ginsberg nhầm chi tiết này).


Supermarket in California

What thoughts I have of you tonight, Walt Whitman, for I walked
down the sidestreets under the trees with a headache self-conscious looking at the full moon.

In my hungry fatigue, and shopping for images, I went into the neon
fruit supermarket, dreaming of your enumerations!

What peaches and what penumbras! Whole families shopping at
night! Aisles full of husbands! Wives in the avocados, babies in the tomatoes!
—and you, Garcia Lorca, what were you doing down by the watermelons?

I saw you, Walt Whitman, childless, lonely old grubber, poking
among the meats in the refrigerator and eyeing the grocery boys.
I heard you asking questions of each: Who killed the pork chops?
What price bananas? Are you my Angel?

I wandered in and out of the brilliant stacks of cans following you,
and followed in my imagination by the store detective.

We strode down the open corridors together in our solitary fancy
tasting artichokes, possessing every frozen delicacy, and never passing the cashier.

Where are we going, Walt Whitman? The doors close in a hour.
Which way does your beard point tonight?

(I touch your book and dream of our odyssey in the supermarket and
feel absurd.)

Will we walk all night through solitary streets? The trees add shade
to shade, lights out in the houses, we'll both be lonely.

Will we stroll dreaming of the lost America of love past blue automo-
biles in driveways, home to our silent cottage?

Ah, dear father, graybeard, lonely old courage-teacher, what America
did you have when Charon quit poling his ferry and you got out on a
smoking bank and stood watching the boat disappear on the black waters of Lethe?




BÀI CA
(Song)

Gánh nặng chốn trần gian
là tình.
Dưới gánh nặng
của sự cô đơn
dưới gánh nặng của sự không bằng lòng

gánh nặng
gánh nặng ta mang
là tình.

Ai người phủ nhận?
Rằng trong mộng
tình chạm
vào thân
trong ý tưởng
tình làm nên
điều kỳ diệu, kỳ công
trong trí tưởng tượng
tình đau buồn
một khi chưa sinh
trong người trần –
nhìn từ trái tim
tinh khiết cháy lên –
vì gánh nặng chốn trần gian
là tình

nhưng gánh nặng ta mang
mệt mỏi
ta cần sự dịu êm
trong vòng tay tình ái
và cuối cùng
có tĩnh lặng, dịu êm
trong vòng tay tình ái

nhưng chẳng có dịu êm
chẳng tình
không ngủ
không nói mớ
về tình –
lạnh lẽo hay điên cuồng
ám ảnh bởi thiên thần
hay máy móc
thì điều cuối cùng mong ước –
là tình
- chẳng cay đắng trong lòng
không thể nào phủ nhận
không thể nào giấu diếm
dù có chối phăng:

gánh nặng quả vô cùng nặng

ta cần đem cho
mà chẳng nhận về
như ý tưởng
từng đến
trong sự cô đơn
trong tất cả vẻ huy hoàng
trong sự thừa mứa của tình.

Thân xác ấm nồng
cùng toả sáng lên
trong bóng tối
bàn tay qua lại
về điểm trung tâm
của xác thân
làn da run bần bật
vì hạnh phúc
và tâm hồn
hân hoan trong ánh mắt –

vâng, vâng
quả thật rằng
tôi ao ước
tôi luôn luôn ao ước
tôi luôn luôn ao ước
quay trở về
với thể xác kia
nơi tôi sinh ra ngày trước.



Song

The weight of the world
is love.
Under the burden
of solitude,
under the burden
of dissatisfaction

the weight,
the weight we carry
is love.

Who can deny?
In dreams
it touches
the body,
in thought
constructs
a miracle,
in imagination
anguishes
till born
in human--
looks out of the heart
burning with purity--
for the burden of life
is love,

but we carry the weight
wearily,
and so must rest
in the arms of love
at last,
must rest in the arms
of love.

No rest
without love,
no sleep
without dreams
of love--
be mad or chill
obsessed with angels
or machines,
the final wish
is love
--cannot be bitter,
cannot deny,
cannot withhold
if denied:

the weight is too heavy

--must give
for no return
as thought
is given
in solitude
in all the excellence
of its excess.

The warm bodies
shine together
in the darkness,
the hand moves
to the center
of the flesh,
the skin trembles
in happiness
and the soul comes
joyful to the eye--

yes, yes,
that's what
I wanted,
I always wanted,
I always wanted,
to return
to the body
where I was born.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét